Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tìm kiếm giải pháp kiểm soát lạm phát

Ngày 11/7/2013, Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2013, phân tích dự báo những xu hướng của thị

Ngày 11/7/2013, Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2013, phân tích dự báo những xu hướng của thị trường giá cả và đề ra các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2013. Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế.
Toàn cảnh hội thảo
 
 

CPI sẽ dưới một con số

Với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ cũng như các chính sách phát triển kinh tế xã hội, và với các kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là ổn định, lạm phát thấp, một số các khó khăn lớn trong nền kinh tế như nợ xấu và tồn kho sản phẩm lớn đang từng bước được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả tích cực, một số những diễn biến kinh tế đã có tác động mạnh tới giá cả thị trường như: tăng trưởng kinh tế; cầu tiêu dùng; tồn kho sản phẩm; kim ngạch xuất nhập khẩu; thu NSNN… cũng cần phải được đưa ra để phân tích, đánh giá, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2013 ở mức hợp lý.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện kinh tế tài chính cho biết, CPI tháng 6/2013 tăng 2,4% so với tháng 12/2012 và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân sáu tháng đầu năm nay tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Hầu hết giá cả các nhóm sản phẩm, hàng hoá sử dụng để tính CPI đều ít biến động. Yếu tố lớn nhất tác động làm tăng CPI những tháng đầu năm 2013 chính là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế của nhà nước.

Đồng tình với ý kiến của TS. Tuyến, TS. Đỗ Thị Ngọc nhận định, với chỉ số CPI của 6 tháng đầu năm 2013 tăng 2,4% so với cuối năm 2012 thì có thể coi đó là tín hiệu lạc quan để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra của Quốc hội. TS. Đỗ Thị Ngọc cũng cho biết, nguyên nhân gây tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2013 ngoài việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế còn là do tháng 1, tháng 2 là tháng Tết Nguyên Đán nên nhu cầu mua sắm tăng cao; giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt tăng giá, 3 đợt giảm giá; do thời tiết nắng nóng trên diện rộng vào tháng 5 và tháng 6 nên nhu cầu về sử dụng điện, nước tăng.

 

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính phát biểu tại hội thảo
 
 
Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, mức tăng CPI 6 tháng đầu năm 2013 là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn. CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp đó là niềm vui của người tiêu dùng và đối với nhà hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô yên tâm hơn với vấn đề kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát thành công trong hơn 1 năm qua, bên cạnh tác động tích cực cũng làm phát sinh hiệu ứng phụ. Thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến sức mua của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp cũng bị thu hẹp, do đó, nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, bên cạnh đó là thực hiện các giải pháp dài hạn thì kinh tế 2013 có thể không bị “tụt dốc” nữa, TS. Ngô Trí Long cũng cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chu kỳ các năm, CPI thường tăng cao nhất vào tháng tết âm lịch sau đó giảm dần từ tháng 3 tới tháng 8 và bắt đầu tăng cao từ tháng 9 cho tới cuối năm và đầu năm sau. Như vậy, tại thời điểm này (tháng 6) nghĩa là đang trong giai đoạn CPI giảm theo chu kỳ nên biến động CPI thấp là hợp lý. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng do các yếu tố: Chính phủ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế; tăng lương cơ bản từ 1/7/2013; khả năng thâm hụt thương mại tăng cao và sẽ tác động tới lạm phát tăng; Chính phủ thực hiện một số các điều chỉnh về giá dịch vụ, điện, xăng dầu; chu kỳ tăng giá ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao; tồn kho sản phẩm sẽ tăng cao trở lại, chi phí sản xuất tăng làm cho giá cả sản phẩm tăng.

Về vấn đề này, Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho rằng, liên tục từ tháng 4/2013 đến nay, giá cả một số hàng hóa và dịch vụ đã tăng và dự kiến sẽ tăng bao gồm: Điện, ga, xăng dầu, nước sạch, viện phí… do đó, giá cả sẽ có tốc độ nhanh hơn 6 tháng đầu năm 2013. Tuy vậy, do tổng cầu còn yếu một cách lâu dài chưa sớm hồi phục, cho nên biên độ tăng có thể không cao và không dồn dập.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, chỉ số CPI trong năm 2013 sẽ là dưới một con số với ước tính khoảng trên dưới 7,5%. 

 

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí
 
 
Nỗ lực bình ổn giá cả thị trường

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2013 đã đạt một số các mục tiêu quan trọng, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, để có thể hạn chế rủi ro và có thể đạt được chỉ số CPI dưới một con số trong năm 2013, cần phải có biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách về giá cả, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để đưa ra các dự báo nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, áp dụng ngay, có hiệu quả các biện pháp xử lý khai thông “điểm nghẽn” hiện nay của nền kinh tế là tăng tổng cầu của nền kinh tế, giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho. Bên cạnh đó cần tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, vòng vèo, lũng đoạn thị trường, đặc biệt cần chú ý tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nâng đỡ giá nông sản trong giai đoạn hiện nay, ông Thỏa cho biết.

Còn theo TS. Đinh Trọng Thắng - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để ổn định kinh tế, kiềm chế được lạm phát thì các chính sách của nhà nước cần phải nhất quán, lòng tin của doanh nghiệp phụ thuộc vào sự ổn định của chính sách, do đó nếu vẫn cứ duy trì sự ổn định chính sách như hiện nay, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính dài hạn thì sẽ lấy được lòng tin của doanh nghiệp.

Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát, do vậy cần tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới, đó cũng là đề xuất của TS. Ngô Trí Long tại hội thảo.

TN

 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang