Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chỉ thị của ubnd tỉnh về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2013

Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra nhiều đợt gió lốc, mưa đá trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, lớp học và hoa màu của nhân dân

Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra nhiều đợt gió lốc, mưa đá trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, lớp học và hoa màu của nhân dân. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa, bão năm 2013 sẽ có những diễn biến phức tạp, cần đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất…, đặc biệt là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Vì vậy, để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt những công việc sau:

1- Khẩn trương củng cố và kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về thảm họa của thiên tai và cách phòng tránh. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai ở cấp xã và thôn, bản. Tổng kết đánh giá công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2012 và rút ra bài học kinh nghiệm cho năm 2013 và những năm tiếp theo.

2- Rà soát cụ thể các phương án, kế hoạch phòng, chống, tránh có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi và các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với từng ngành, địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt chú ý các vùng dân cư có nguy cơ sạt lở đất, vùng ven sông, suối, đồi núi có độ dốc lớn, tầng phủ mỏng…, cần được xem xét kỹ và có biện pháp phòng, tránh khẩn cấp. Tăng cường công tác kiểm tra các hồ chứa nước, các công trình đầu mối.

3- Công tác thông tin hai chiều phải được đảm bảo thông suốt từ Trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến các địa phương. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định. Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo về thiên tai bằng nhiều hình thức như: truyền thanh, truyền hình, điện báo, điện thoại, fax… Đối với các vùng dân cư chưa có phương tiện thông tin liên lạc thì bố trí thêm các trạm đo mưa đơn giản để có số liệu làm căn cứ cho việc cảnh báo. Khi xảy ra mưa lũ lớn, lũ quét hoặc những nguy cơ thiên tai có thể xảy ra trên vùng thì thông báo khẩn cấp bằng các hình thức gõ kẻng, mõ hoặc người truyền tin,…

4- Trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh:

4.1- Thường trực Ban Chỉ huy và Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh:

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp về việc thực hiện Chỉ thị này.

- Xây dựng kế hoạch và lập các phương án đối phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, ứng cứu và xử lý kịp thời, có hiệu quả việc đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra; tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão kịp thời.

4.2- Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh: Thường xuyên kiểm tra, đốn đốc công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn được phân công phụ trách. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện, thành phố, cơ sở để tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

4.3- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh: Tăng cường công tác theo dõi diễn biến và dự báo khả năng xuất hiện thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh. Kịp thời cung cấp số liệu về mưa, lũ, lốc, bão cho Ban Chỉ huy phóng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, các ngành và địa phương liên quan để có các biện pháp đối phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

4.4- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các đơn vị trực thuộc thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao như dự trữ các loại vật tư nông nghiệp, vật tư thủy lợi… và vận hành an toàn các trạm bơm, hồ chứa nước tránh gây ra các sự cố.

- Kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời các công trình thủy lợi đang thi công dở dang hoặc công trình bị hư hỏng, nhất là các hồ chứa nước, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai các phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, mùa màng của nhân dân và đảm bảo sản xuất trong mùa mưa lũ; sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

4.5- Sở Giao thông - Vận tải: lập kế hoạch dự trù vật tư, thiết bị, phương tiện…, để ứng cứu, thay thế khi cần thiết, nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các tuyến đường trong mọi tình huống.

4.6- Sở Công thương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch đảm bảo an toàn các khu hầm mỏ, các điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, tránh sự cố sập hầm, lở đất gây mất an toàn lao động, tài sản và môi trường. Chỉ đạo, lập kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu tại chỗ tại các địa phương, kịp thời phục vụ những vùng bị thiên tai. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố có phương án vận chuyển hàng hóa đến những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đường giao thông hay bị hư hỏng trong mùa mưa bão.

4.7- Viễn thông Cao Bằng: Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến các ban, ngành và địa phương.

4.8- Điện lực tỉnh: Tăng cường kiểm tra, tu sửa, khắc phục các sự cố, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản suất và đời sống của nhân dân trong mùa mưa bão.

4.9- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra các đơn vị, các điểm trong việc thực hiện đảm bảo an toàn về tác động môi trường.

4.10- Sở Y tế: Xây dựng các phương án cấp cứu người trong sự cố thiên tai; lập dự phòng về thuốc, dụng cụ, phương tiện để chống dịch bệnh, xử lý môi trường vùng xảy ra thiên tai.

4.11- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố và các Đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

- Đảm bảo lực lượng bộ đội, phương tiện thường trực và các phương án điều động ứng cứu khẩn cấp những vùng có thiên tai xảy ra. Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

4.12- Công an tỉnh: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với các ngành, địa phương tham gia ứng cứu vùng bị nạn khi thiên tai xảy ra.

4.13- Sở thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng: Tăng cường công tác thông tin, đảm bảo đưa tin kịp thời những dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết xấu như lũ lụt, lốc, mưa đá; các mệnh lệnh và chỉ thị về công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai của các cấp đã ban hành. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai. Đưa tin kịp thời khi thiên tai xảy ra và việc tổ chức khắc phục hậu quả sau thiên tai.

4.14- Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh nghiên cứu, biên soạn tài liệu và đưa công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai lồng ghép vào chương trình giảng dạy của trường học phổ thông.
4.15- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; vốn nâng cấp các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, kè sông, suối cơ sở hạ tầng và khu dân cư tập trung có nguy cơ mất an toàn, dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; mua sắm trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn. Bố trí kịp thời ngân sách dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai.

4.16- Các cơ quan, đơn vị khác: Ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kỹ thuật…, để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của UBND tỉnh hoặc của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

5- Trách nhiệm của UBND các huyện, Thành phố:

- Căn cứ vào kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn hằng năm, cần phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy và các cấp, các ngành của địa phương. Tổ chức kiểm tra các vùng xung yếu có nguy cơ cao về mưa đá, lốc, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cần có phương án di rời dân đến địa điểm an toàn. Thành lập lực lượng thường trực, xây dựng phương án huy động và sử dụng các phương tiện, nguồn lực trên địa bàn để cứu hộ, cứu nạn.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hoặc cụm xã thành lập đội xung kích do lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn làm đội trưởng. Nòng cốt đội xung kích bao gồm lực lượng thanh niên, dân quân, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Đội xung kích này có nhiệm vụ thường trực phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đảm bảo an ninh, trật tự án toàn xã hội trên địa bàn.

- Lập kế hoạch dự phòng các loại vật tư, thiết bị, phương tiện đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Triển khai việc dự trữ trong nhân dân, cụm dân cư về các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, muối ăn, dầu hỏa, thuốc chữa bệnh…, đặc biệt cần chú trọng đến những vùng có nguy cơ bị cô lập khi thiên tai xảy ra.

- Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc huy động các nguồn lực của địa phương theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn.

6- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo thường kỳ và đột xuất theo quy định. Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, các ngành phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ và kịp thời báo cáo thông tin hằng ngày cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Thường trực - Chi cục Thủy lợi) để xử lý, chỉ đạo kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

  CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn: www.caobang.gov.vn

Tin khác
1 2 3 4 5 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang