Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Chiều 19/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Cao Bằng, các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh và Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Báo cáo của Bộ Tài chính nhận định, năm 2022, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã giúp thúc đẩy phục hồi nhanh phát triển KT - XH. Song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực kiểm soát lạm phát, tỷ giá, lãi suất, do ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng năng lượng và biến động mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu; biến động thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, tài chính - NSNN năm 2022.

Đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.Chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so với định mức phân bổ ngân sách; yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2022, bội chi NSNN (bao gồm chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40 - 41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18 - 19% tổng thu NSNN, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo nghị quyết của Quốc hội.

Giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.

Năm 2023, nhiệm vụ tài chính - NSNN đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT - XH; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương thảo luận về công tác quản lý, điều hành tài chính - NSNN; các giải pháp thu NSNN của đơn vị, địa phương; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm; giải pháp chống nguy cơ lạm phát trong năm 2023…

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành tài chính trong năm 2022 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước và nâng cao uy tín Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài. Đề nghị năm 2023, ngành tài chính tiếp tục đoàn kết, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để phát triển nguồn lực đất nước, phân phối hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nắm chắc tình hình để phân tích tình hình, từ đó có chính sách phù hợp. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế và đổi mới sáng tạo. Tập trung nghiên cứu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; tăng đầu tư phát triển; theo dõi, kiểm soát giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Dịp này, 4 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, 5 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ từ năm 2017 - 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nguồn: Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang