Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh cần Trung ương hỗ trợ hơn 80%. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, luôn hoàn thành vượt mức dự toán HĐND tỉnh giao. Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp đột phá thu ngân sách và quản lý thu ngân sách nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển KT - XH.

    Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Hòa An - Hà Quảng làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ cho người dân.

    Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8.975.027 triệu đồng,  thu nội địa đạt 7.690.009 triệu đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 1.212.777 triệu đồng; thu viện trợ, ủng hộ 72.241 triệu đồng. Chi ngân sách địa phương trong cân đối giai đoạn 2016 - 2020 đạt 45.140.938 triệu đồng (chi đầu tư phát triển 12.775.686 triệu đồng, chi thường xuyên và chi trả nợ 32.363.952 triệu đồng).

    Theo Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh, Kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được xác định thu NSNN trên địa bàn tăng bình quân trên 12%/năm. Theo đó dự kiến tổng thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11.140.000 triệu đồng, tăng 27% so với thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ bình quân tăng thu ngân sách không bao gồm thu tiền sử dụng đất đạt 12%/năm, cụ thể: Dự toán thu nội địa khoảng 9.869.000 triệu đồng, tăng 31% so với ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.

    Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp khoảng 6.296.000 triệu đồng. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 1.271.000 triệu đồng, tăng 5% so với ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 50.600.000 triệu đồng, tăng 9% so với giai đoạn 2016 - 2020. Chi trả nợ lãi các khoản vay khoảng 12.000 triệu đồng.

    Để đạt được mục tiêu, định hướng có tính chất đột phá, phấn đấu tăng thu NSNN trên địa bàn từ việc huy động nguồn thu mới, thu từ các dự án đầu tư trọng điểm, các sản phẩm chủ lực, tăng tỷ trọng nguồn thu từ đất, thu từ khai thác khoáng sản và tăng chỉ tiêu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu..., trong giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp quan trọng như: Thúc đẩy phát triển KT - XH gắn với lợi thế so sánh của địa phương, xác định khâu đột phá để gia tăng các nguồn thu.

    Bồi dưỡng các nguồn thu, từng bước xây dựng một cơ cấu thu ngân sách bền vững và phát triển. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng, có chính sách bảo vệ sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế, có chính sách ưu đãi phù hợp cho các cá nhân, đơn vị, có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ trong và ngoài địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cần có định hướng tăng tỷ trọng thu nội địa trong thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đảm bảo cân đối chi NSNN.

    Trong thu nội địa cần tăng tỷ lệ các khoản thu từ thuế, phí, huy động các khoản thu từ đất một cách hợp lý phục vụ cho phát triển KT - XH. Thu ngân sách địa phương tập trung bồi dưỡng các nguồn thu từ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ dựa trên lợi thế so sánh và các khoản thu tiềm năng của địa phương đóng góp vào NSNN.

    Tăng cường phân cấp nguồn thu ngân sách địa phương nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả quản lý thu NSNN. Điều chỉnh phân cấp cho huyện hưởng 100% nguồn thu không chỉ từ các doanh nghiệp tư nhân mà còn từ một số loại hình doanh nghiệp khác; tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cho các huyện, Thành phố. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo chu trình ngân sách.

    Triển khai lập dự toán thu NSNN, chấp hành dự toán, tổng hợp báo cáo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán thu NSNN theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu ngân sách. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành thuế cần thực hiện công tâm, khách quan, công khai, minh bạch. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thuế, vi phạm Luật NSNN...

    Thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp điều kiện nhằm thúc đẩy công tác quản lý thu NSNN. Kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính, NSNN và nợ công theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    Đẩy mạnh thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại các cơ quan: Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước... theo hướng thu gọn đầu mối, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thu nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN.

    Kết nối mạng tin học liên thông quản lý ngân sách giữa cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan để xử lý nghiệp vụ chuyên ngành, khai thác, trao đổi thông tin diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành tại địa phương trong quản lý thu NSNN. Cơ quan Thuế phối hợp với Hải quan và Quản lý thị trường thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chống thất thu thuế, đặc biệt là thuế ngoài quốc doanh.

     
    Nguồn: baocaobang.vn
    ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang