Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ về phân bổ ngân sách giữa các địa phương

Chiều 1-11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao điều hành tài chính- ngân sách

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang- TP Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước, làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước năm sau thường cao hơn năm trước.

Theo Đại biểu Trần Thị Hằng- Bắc Ninh, năm 2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và cũng là năm đầu tiên thời kỳ ổn định ngân sách 2017 -2020. Do vậy dự toán ngân sách 2017 có ý nghĩa rất lớn đối với việc cân đối nguồn lực thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2017 - 2020.

Đại biểu này cho rằng, phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi đã được quy định cụ thể, rõ ràng phù hợp với quy định về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, khuyến khích các địa phương cải thiện môi trường đầu tư, nuôi dưỡng khai thác nguồn thu, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách dài hạn, trung hạn và hàng năm. Định mức phân bổ dự toán chi, ngân sách gồm chi tiêu bổ sung, các tiêu chí phân bổ cụ thể rõ ràng dễ thực hiện, dễ kiểm tra đã tăng tính công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cũng chia sẻ với tình hình ngân sách nhà nước hiện nay. Theo đại biểu: "Cái bánh ngân sách của chúng ta có xu hướng bé lại và ngày càng phải đầu tư cho phát triển và nhu cầu xã hội càng phát triển, đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chúng ta sử dụng ngân sách làm sao cho có hiệu quả, phù hợp cân đối giữa các địa phương. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cũng phải liệu cơm mà gắp cá, không thể chi như trước đây".

bt 2.jpg

                                       Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội trường

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ các kiến nghị của đại biểu về tỷ lệ điều tiết giữa trung ương và địa phương và nhiều vấn đề quan trọng khác. Chia sẻ với các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải coi tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhà nước kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên là quốc sách hàng đầu. Thời gian tới ngành Tài chính sẽ cùng các ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ để triển khai các chính sách có tính chất đột phá hơn về vấn đề này.

Phân bổ ngân sách tạo sự đồng đều giữa các địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ lệ phân bổ ngân sách là vấn đề rất quan trọng giải quyết mối quan hệ giữa NSTƯ và ngân sách địa phương (NSĐP) cũng như quan hệ giữa các địa phương với nhau trong sự thống nhất của quốc gia. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, NSNN thống nhất, bao gồm cả NSTƯ và NSĐP, trong đó NSTƯ giữ vai trò chủ đạo.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đối với năm 2017, số bổ sung cân đối hay tỷ lệ điều tiết thu là kết quả tính toán trên cơ sở dự toán thu và nhu cầu chi tính theo định mức. Đặc biệt trong bối cảnh 63 tỉnh, thành phố của nước ta có diện tích, dân số, đặc điểm địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng KT-XH... rất khác nhau; nhất là sự khác biệt về khả năng phát triển và quy mô kinh tế, kéo theo đó là khả năng thu NSNN. Nắm rõ tầm quan trọng của tỷ lệ phân bổ ngân sách với các địa phương, vì vậy, “trong quá trình xây dựng dự toán, chúng tôi đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề này, xây dựng phương án để tạo sự công bằng nhất định đối với các địa phương”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo về sự cẩn trọng trong quá trình xây dựng dự toán.

Liên quan đến tỷ lệ phân bổ đối với các địa phương có số thu lớn điều tiết về trung ương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Đối với định mức phân bổ chi thường xuyên được xây dựng trình Chính phủ, UBTVQH quyết định, các địa phương trọng điểm thu, có điều tiết thu về NSTƯ, đã được ưu tiên cao nhất như định mức phân bổ chi theo tiêu chí dân số tăng từ 30% đến 70% so với các địa phương khác. Riêng Hà Nội và TP. HCM là đô thị đặc biệt còn được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai...

Mặc dù đã có cơ chế ưu tiên như vậy nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã hết sức chia sẻ với các địa phương trọng điểm về thu ngân sách. Bởi vì, dù đã có ưu tiên cao như trên, nhưng sau khi tính toán chi theo định mức phân bổ và dự kiến giao dự toán thu nội địa đang trình Quốc hội, năm 2017 có 10/13 địa phương có tỷ lệ điều tiết về NSTƯ giai đoạn 2011-2016 giảm lớn, có địa phương giảm tới 20% đến 30% so với tỷ lệ giai đoạn 2011-2016 .

Theo người đứng đầu ngành Tài chính: “Việc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phần NSĐP được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách giảm là phù hợp với quy định của Luật NSNN, nhưng nếu giảm quá lớn thì cũng ảnh hưởng đến nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ KT-XH của các địa phương này. Mặt khác, Bộ Chính trị có một số Nghị quyết, ý kiến kết luận về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương này".

Mặc dù trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng trong dự toán NSNN năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, đảm bảo tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn. Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng dự toán trên cũng có ý kiến cắt giảm toàn bộ hoặc một nửa số kinh phí đã chi đầu tư phát triển của NSTƯ. Nhưng Bộ Tài chính đã phải bàn và báo cáo rất kỹ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giữ khoản này, hỗ trợ các địa phương, tránh giảm tỷ lệ điều tiết quá lớn.

Đối với riêng Thành phố Hồ Chí Minh, dự toán thu nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 trình Quốc hội, không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận, còn lại tăng khoảng 20% so với ước thực hiện năm 2016. "Đây là mức tăng rất tích cực nhưng chúng tôi cho rằng cũng có cơ sở khả thi bởi vì ước thực hiện thu năm 2016 của thành phố đã tăng khoảng 18,6% so với thực hiện năm 2015. Trong khi dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2017, khả quan hơn năm 2016. Tốc độ tăng thu năm 2017, bình quân của khu vực Đông Nam Bộ đang trình Quốc hội cũng đã tính trên 18%, Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn một chút", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm.

Theo Bộ trưởng, với dự toán thu như vậy và dự kiến nhu cầu chi ngân sách địa phương tính trên cơ sở hệ thống định mức phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đã được quyết định. Tỷ lệ điều tiết của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là 17%, giảm 6% so với thời kỳ 2011- 2016; Hà Nội là 42% xuống 32% giảm 10%, Hải Phòng từ 88% xuống 67%, giảm 21%, Đà Nẵng 85% xuống 55%, giảm 30%, Đồng Nai từ 51% xuống 41% giảm 7%, Bình Dương 40% xuống 34%, giảm 6% v.v... Thành phố Hồ Chí Minh là từ 23% xuống 17%. Để thành phố Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội phân bổ thêm cho thành phố 1.823 tỷ đồng trong đó đầu tư phát triển là 1.447 tỷ chi thường xuyên là 376 tỷ đồng. Theo đó dự toán chi cân đối của ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là 60.369 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Chúng tôi rất chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh việc tỷ lệ điều tiết giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của thành phố. Vì vậy khi xây dựng cơ chế cũng như trong cân đối ngân sách nhà nước chúng tôi đều hướng tới tạo các điều kiện đặc thù thêm cho thành phố như luôn ủng hộ thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh".

"Chúng tôi tin tưởng rằng đất nước ta cho dù địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương hay địa phương nhận hỗ trợ từ Trung ương cũng có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau cả về mặt tình cảm, trách nhiệm, kinh tế cũng như quy định pháp lý. Kinh tế của các địa phương trọng điểm thu sẽ mạnh hơn, tăng trưởng bền vững hơn khi 47 địa phương khác cũng có đủ nguồn lực để phát triển ổn định và ngược lại. Chúng tôi hy vọng rằng cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, sẽ ngày càng có thêm nhiều địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, từ đó giảm bớt trách nhiệm điều tiết cho các địa phương trọng điểm thu hiện nay", người đứng đầu ngành Tài chính đã kết luận như vậy trước Quốc hội.

Nguồn : mof.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang