Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Năm 2020: Hầu hết các dịch vụ tài chính công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 – 4

Xây dựng nền tảng dịch vụ tài chính công, cũng như đề xuất các mô hình khai thác, các công cụ thanh toán trong giao dịch tài chính điện tử, các ứng dụng tác nghiệp chuyên sâu trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông hiện đại… phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được ngành Tài chính đẩy mạnh để tiến tới mục tiêu đến năm 2020

Xây dựng nền tảng dịch vụ tài chính công, cũng như đề xuất các mô hình khai thác, các công cụ thanh toán trong giao dịch tài chính điện tử, các ứng dụng tác nghiệp chuyên sâu trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông hiện đại… phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được ngành Tài chính đẩy mạnh để tiến tới mục tiêu đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. 
Hiện tại cơ sở dữ liệu (CSDL) thủ tục hành chính đã cập nhật được 1.119 thủ tục. Trong đó, lĩnh vực Kho bạc Nhà nước 55 thủ tục, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 160 thủ tục, lĩnh vực tài chính chung 168 thủ tục, lĩnh vực hải quan 239 thủ tục và lĩnh vực thuế 497 thủ tục. Thông tin về thủ tục hành chính được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời ngay sau khi có sự thay đổi. Tuy nhiên, thủ tục hành chính của Bộ đa số chỉ dừng lại ở dịch vụ công mức 1 (hướng dẫn các bước thực hiện) và dịch vụ công mức 2 (cung cấp biểu mẫu, có thể tải về máy tính cá nhân), mức 3 và 4 còn khiêm tốn.
Về tích hợp ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến (dịch vụ công mức 3: cho phép sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức; dịch vụ và các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thể hiện trên môi trường mạng), Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đã được liên kết, tích hợp với 20 ứng dụng dịch vụ công trực tuyến từ Cổng thông tin điện tử các đơn vị thuộc Bộ như: Cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách,  ứng dụng quản lý đăng ký tài sản Nhà nước, ứng dụng tra cứu trạng thái nợ thuế, ứng dụng tiếp nhận hồ sơ hải quan điện tử, nộp hồ sơ khai thuế qua mạng intiernet ... đang được các đơn vị có liên quan khai thác hiệu quả.
Hiện nay, quy chế khai thác, vận hành, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Bộ Tài chính đang được Cục Tin học và Thống kê tài chính xây dựng dự thảo. Dù chưa có một cơ chế thống nhất, song các dịch vụ công trực tuyến được ngành Tài chính cung cấp thời gian qua đã làm thay đổi không cung cách làm việc của cán bộ ngành Tài chính, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Trước tiên phải kể đến Tổng cục Hải quan với nhiều dịch vụ công mức 4 nhất như:  Tiếp nhận hồ sơ Hải quan điện tử được thực hiện từ năm 2009. Cổng tiếp nhận của hệ thống VNACCS/VCIS là: https://ediconn.vnaccs.customs.gov.vn. Thông qua Cổng này, trong năm 2013, số lượng tờ khai thực hiện trên hệ thống thông quan điện tử lên tới 5.529.000 tờ khai, tương đương với 93,37% tổng số tờ khai. Ngày 1/4/2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, tính đến 15/3/2015,  hệ thống VNACCS/VCIS đã thu hút 53,2 nghìn doanh nghiệp tham gia; thực hiện 6,3 triệu tờ khai; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 256,2 tỷ USD.
Hay như dịch vụ công trực tuyến thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu được Tổng cục Hải quan thực hiện từ năm 2011. Dự án phối hợp thu ngân sách, bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử với các ngân hàng thương mại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý NSNN, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Sau gần 5 năm triển khai, thời gian nộp thuế XNK rút xuống chỉ còn khoảng 5-7 phút, không còn xảy ra tình trạng treo nợ thuế, giúp DN thông quan nhanh lô hàng, góp phần giảm thời gian thông quan, giảm được chi phí phát sinh cho DN...
Thêm vào đó, từ ngày 01/8/2013, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ điện tử tàu biển (e-Manifest) tại các đơn vị hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và hoàn thành triển khai hệ thống cho 8 cục hải quan còn lại theo Quyết định 19/2011/QĐ-TTg. Tính đến 31/12/2013, hệ thống đã tiếp nhận được 7.155 hồ sơ điện tử; đã triển khai hệ thống cho 43 hãng tàu, 348 đại lý hãng tàu, hơn 1.283 công ty giao nhận trên cả nước.
Trong lĩnh vực thuế  - hải quan, vấn đề được không ít doanh nghiệp quan tâm đó là tra cứu thông tin về thuế, trạng thái hồ sơ hải quan, bảo lãnh thuế sau khi triển khai dịch vụ công đối với lĩnh vực này, các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp và trạng thái hiện tại của doanh nghiệp.
Đối với dịch vụ công trực tuyến “Khai thuế điện tử” được triển khai từ năm 2009 đã được triển khai đến mức 4 giúp cung cấp báo cáo đánh giá kết quả triển khai dịch vụ: tính đến hết tháng 07/2014 đã có 389.924 doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử với số hồ sơ thuế điện tử đã nhận vào hệ thống quản lý thuế là hơn 16 triệu hồ sơ. Nộp thuế điện tử cũng giúp cung cấp báo cáo đánh giá kết quả triển khai dịch vụ với hơn 200 doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử với số tiền nộp ngân sách nhà nước là trên 200 tỷ đồng. Cung cấp thông tin về Mã số thuế, số liệu thuế cũng đang được triển khai giúp cung cấp báo cáo đánh giá kết quả triển khai dịch vụ. Tính đến hiện tại, đã có hơn 2.499.718 lượt truy cập vào website để tra cứu thông tin về mã số thuế, hơn 153.214 lượt truy cập website để tra cứu thông tin về thuế doanh nghiệp.
Như vậy, sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho việc cải cách hành chính, vì khi thực hiện đưa các dịch vụ hành chính công lên mạng thì các quy trình, thủ tục hành chính đều được chuẩn hóa để có thể ứp dụng CNTT. Do đó, các điểm bất cập của quy trình hiện tại có thể được phát hiện và đó là cơ hội để cải cách hành chính thực hiện tái thiết kế quy trình.
Theo đánh giá, với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cùng với hiện trạng ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính và các giải pháp mà Bộ Tài chính đã và đang thực hiện…
Có thể khẳng định Bộ Tài chính hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra: Đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
                                                                                                                                                Nguồn: mof.gov.vn
           
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang